PHỤ NỮ NGÀNH XÂY DỰNG – XÓA ĐỊNH KIẾN, VƯƠN MÌNH TỎA SÁNG  

Một lĩnh vực mà đàn ông luôn “chiếm sóng” như ngành xây dựng, phụ nữ đóng vai trò thế nào? Tại Coteccons Group, chúng tôi điều kiện bình đẳng để tất cả cùng phát triển, không “dán nhãn” giới tính.  

Nữ giới tại Coteccons có thể là người lo hậu phương để các anh ra tiền tuyến giành dự án, cũng có người bước ra đầu chiến tuyến lo những chiếc deal nghìn tỷ hay ra chiến lược về nhân sự, tài chính, thu mua… Nhân ngày Quốc tế phụ nữ 08/03 mời các bạn cùng gặp gỡ những nhân vật nữ giới tiêu biểu tại Coteccons Group và cùng nghe họ trải lòng về công việc ở vương quốc của nam nhân.   

Có định kiến nào về phụ nữ trong ngành xây dựng mà chị thấy khó xóa bỏ không?  

Chị Nguyễn Trần Thục Anh – Trưởng Ban Đầu tư: Nói định kiến, chẳng qua là so sánh về “sức mạnh giới tính” trong một lĩnh vực khô khan đặc thù như ngành xây dựng. Nếu có điều gì đó cần thay đổi, chị nghĩ đó sẽ là việc “bình đẳng trong suy nghĩ”. Mọi người hãy ngưng nói về khác biệt giới tính mà hãy bàn về hiệu quả công việc. Đó chính là bình đẳng!”  

Chị Trần Thị Liễu Vinh – Giám đốc Hành chính & Phát triển bền vững: “Không thể làm ngành nặng nhọc”, “không đủ mạnh mẽ trong giao tiếp”, “còn phải chăm sóc gia đình, con cái”… là những nhãn dán mà xã hội đã và đang gắn cho nữ giới khi nhắc đến ngành xây dựng. Góc nhìn này khiến cho giới tính nữ trở thành một điểm trừ trong ngành. Người ta còn cho rằng phụ nữ ở ngành xây dựng thiếu ‘nữ tính’ hơn các ngành khác do đặc thù công việc làm nhiều với nam giới, công việc nặng nhọc, môi trường công trường khói bụi, luôn phải nói to.”  

Chị Nguyễn Thị Thủy – Kế toán trưởng Unicons: “Từ xưa đến giờ, từ trong gia đình và xã hội đã có suy nghĩ ngành xây dựng không dành cho nữ giới. Đó là suy nghĩ quá lâu đời! Đến các bạn nữ sinh khi chọn ngành học cũng rất ít chọn xây dựng, vì thế ngay từ đầu ra các trường đã rất ít. Đây không chỉ là định kiến của xã hội mà ngay cả bản thân người phụ nữ cũng tự định hình cho mình là xây dựng không dành cho mình.”  

Chị Nguyễn Thị My Sa – Trưởng phòng quản lý hệ thống – Pháp chế: “Đặc tính của ngành xây dựng sẽ phù hợp hơn với nam giới, trong quá trình làm việc mình cũng cảm nhận được. Số đông mọi người vẫn nghĩ xây dựng là ngành nặng nhọc, phải đối diện với thời gian và công tác xa, phù hợp hơn với nam giới. Và vì số đông đều nghĩ vậy nên phụ nữ sẽ trở thành điểm trừ vì phụ nữ còn phải chăm sóc gia đình, con cái… Thực ra đây cũng không hẳn là định kiến mà là cách nhìn từ bản chất công việc cho thấy phụ nữ khó đáp ứng được yêu cầu công việc. Từ đó phụ nữ ít được trao cơ hội trong công việc hơn, vì vậy họ không thể phát huy tối đa năng lực của mình.”  

Chị Cao Thị Mai Lê – Kế toán trưởng Coteccons: Theo chị có rất nhiều và rất rõ, đặc biệt là ở Việt Nam. Nữ ở công trường chủ yếu là thư ký, hoặc lao động chân tay, không làm ở các vị trí chỉ huy trưởng, chỉ huy phó. Đối với nữ giới bước chân vào những ngành như thế này họ phải nỗ lực nhiều hơn 120% để chứng minh họ cũng có thể làm tốt được những công việc đó như đàn ông.”  

Chị Phạm Xuân Thu – Giám đốc Khối thu mua: “Phụ nữ và nam giới đều đóng vai trò quan trọng và không thể thiếu trong sự phát triển của ngành xây dựng. Tuy nhiên, xã hội lại mặc định xây dựng là ngành dành cho “phái mạnh”. Theo quan điểm của chị, để ngành xây dựng phát triển mạnh mẽ và bền vững cần phải sự đa dạng và những mảng hỗ trợ, cần đến sự linh hoạt, cẩn trọng và mềm dẻo, lợi thế của “phái yếu”, như kỹ năng quản lý, kinh doanh và thương mại… Nếu các anh kỹ sư xây dựng là sắt thép, là đá, là bê tông vững chãi… thì khối thu mua của chị được ví như nước, linh hoạt, mềm dẻo, thay đổi về hình thức vẫn giữ được sức mạnh và đặc tính riêng.”

Chị Đào Cẩm An – Thư ký công trường LEGO: “Khi được hỏi mình đang làm ngành gì, mình trả lời là làm công ty xây dựng và đi công trình, mọi người luôn “Ồ, con gái mà cũng đi công trình nữa à”? Cái định kiến về phụ nữ trong ngành xây dựng là: “ngành xây dựng chỉ dành cho đàn ông, phụ nữ chân yếu tay mềm làm sao mà làm được”.  

Chị Phạm Thị Phúc – Thư ký dự án Tiến Bộ Plaza: “Nhiều ý kiến cho rằng phụ nữ không nên làm lãnh đạo, nếu có thì cũng chỉ nên “phấn đấu vừa vừa”, vì còn làm nhiệm vụ nội trợ, chăm sóc gia đình. Xã hội cũng cho rằng phụ nữ chân yếu tay mềm khó làm được những công việc nặng và đặc thù như trong ngành xây dựng.”  

Khi bước vào ngành xây dựng, chị thấy thách thức lớn mà chị phải đối mặt là gì?  

Chị Nguyễn Trần Thục Anh – Trưởng Ban Đầu tư: Tất nhiên là đối với phụ nữ nói chung, mặt hàng như gạch đá xi-măng làm sao có nhiều sức hấp dẫn bằng hàng tiêu dùng hay hàng thời trang. Tuy nhiên với chị, dù cho đối tượng công việc là gì, đối tượng làm việc cùng là ai thì chị luôn đặt mục tiêu tiếp cận và hoàn thành công việc hàng đầu. Thách thức nếu có thì chỉ là vấn đề “thời gian”. Thời gian luôn có giới hạn nhưng những việc mình muốn làm thì lại rất nhiều.”

Chị Trần Thị Liễu Vinh – Giám đốc Hành chính & Phát triển bền vững: Khi bước vào ngành xây dựng, thách thức lớn nhất đối với chị có lẽ là vẫn bị sắp xếp công việc dễ hơn vì định kiến năng lực và giao tiếp. Nói về thách thức chung, phụ nữ gần như không có tiếng nói trong ngành với tỷ lệ luôn là thiểu số. Ngoài ra, phụ nữ cũng có khả năng mắc bệnh nghề nghiệp cao hơn nam giới, ví dụ như các bệnh phụ khoa, bệnh về da…”

Chị Nguyễn Thị Thủy – Kế toán trưởng Unicons: Đối với chị thách thức lớn nhất khi bước vào ngành là vượt qua cái bóng của chính mình và vượt qua quyền lực của các anh nam giới. Thêm nữa đặc thù ngành xây dựng là không cố định, có rất nhiều rào cản đối với phụ nữ như phụ nữ là phải chăm lo cho gia đình, chồng con, hai bên nội ngoại, nên mình không thể đi xa hoặc di chuyển quá nhiều được. Chị nghĩ đó cũng là rào cản chung lớn của phụ nữ trong ngành.”

Chị Nguyễn Thị My Sa – Trưởng phòng quản lý hệ thống – Pháp chế: “Thách thức lớn nhất của người phụ nữ trong ngành xây dựng là bước qua định kiến của đàn ông về phụ nữ.”

Chị Cao Thị Mai Lê – Kế toán trưởng Coteccons: Khi làm tài chính cho ngành xây dựng, chị cũng cần tiếp xúc với những bộ phận khác trong công ty, nhưng đa số là đàn ông, với giám đốc dự án hoặc bộ phận kiểm soát chi phí – hợp đồng cũng đều là đàn ông… Việc không cùng góc nhìn sẽ thường xuyên xảy ra. Thật ra theo chị đó không phải thách thức, do mình nữ tính mềm mỏng nên nhờ sự khéo léo sẽ dễ thuyết phục người khác.”

Chị Phạm Xuân Thu – Giám đốc Khối thu mua: “Khi bước vào ngành xây dựng, thách thức lớn mà chị phải đối mặt là khả năng thích ứng và nhanh nhạy. Ngành xây dựng có đặc thù riêng, đòi hỏi khả năng thích ứng nhanh chóng với môi trường làm việc đa dạng và thay đổi liên tục. Đồng thời, việc hiểu biết về các vật liệu và thiết bị cần mua là yếu tố quan trọng, đòi hỏi sự liên tục học hỏi và cập nhật kiến thức mới để đảm bảo mua hàng phù hợp nhất cho dự án.” 

Chị Phạm Nguyễn Thùy Tiên – Thư ký công trường Vinhomes Grand Park: “Khi mới vào em còn bị e dè do chỉ có mình em là nữ trong Ban chỉ huy, nhiều nam qua nên mình cũng ngại, trưa không dám ngủ trưa luôn vì mắc cỡ. Mới vào ngành còn bỡ một tí nhưng làm lầu rồi mới biết được các anh rất dễ thương, dù ngoài công trường khô khan khắc nghiệt nhưng các anh vẫn vui vẻ, cười đùa! Ban chỉ huy chỉ có mình là nữ nên cảm giác được các anh quan tâm và yêu thương hơn.”  

Hình mẫu của chị khi còn trẻ là ai?  

Chị Nguyễn Trần Thục Anh – Trưởng Ban Đầu tư: Không ai cả. Đối với chị, việc quan trọng hơn hết là đặt ra mục tiêu và kiên trì đeo bám đến khi hoàn thành mục tiêu của bản thân. Không chỉ trong công việc, mà cả trong cuộc sống. Ví dụ như bản thân mình của năm 40 tuổi nhìn lại mà thấy “hoàn thiện” hơn năm 30 tuổi thì điều đó cũng đủ rồi, đâu cần phải theo đuổi “hình mẫu” nào trong khi mình cũng chẳng rõ xuất phát điểm và những gì họ đã trải qua.” 

Chị Nguyễn Thị Thủy – Kế toán trưởng Unicons: Đó chính là mẹ chị. Mỗi ngày chị đều cố gắng học tập để trở thành người phụ nữ giống mẹ. Một người phụ nữ tần tảo, rất yêu thương chồng con và chăm lo toàn vẹn cho gia đình, nhưng mẹ cũng rất nỗ lực trong công việc, một người phụ nữ đầy nghị lực và bản lĩnh.”

Chị Cao Thị Mai Lê – Kế toán trưởng Coteccons: Đối với chị, chị không có hình mẫu nào. Nhưng chị sẽ theo đuổi những giá trị cốt lõi về minh bạch và tính đạo đức nghề nghiệp trong ngành tài chính của chị.”  

Chị Phạm Xuân Thu – Giám đốc Khối thu mua: “Người bà và người mẹ tận tâm, hết lòng lo cho con cháu và nuôi dưỡng hoài bão, giúp chị luôn kiên định với đam mê của mình, luôn đi đến cùng trên con đường mình đã chọn.” 

Chị Đào Cẩm An – Thư ký công trường LEGO: “Ngày mình còn học phổ thông thì chú Út của mình là một kiến trúc sư. Ngưỡng mộ chú lắm. Chú là hình mẫu liên quan về ngành xây dựng. Chú có định hướng cho học ngành xây dựng, nhưng mình chọn học một ngành khác. Tuy nhiên bây giờ lại làm ngành xây dựng. Chắc là cái duyên với xây dựng.”

Theo chị, khi làm việc trong môi trường nam giới, đặc biệt là ở vị trí lãnh đạo, vai trò của người phụ nữ có sức ảnh hưởng thế nào?  

Chị Nguyễn Trần Thục Anh – Trưởng Ban Đầu tư: Lãnh đạo hay quản lý nữ sẽ cần lan tỏa sự mềm mỏng, khéo léo trong giao tiếp để phần nào giảm bớt sự căng thẳng, áp lực trong môi trường nam giới.”

Chị Trần Thị Liễu Vinh – Giám đốc Hành chính & Phát triển bền vững: Nữ giới làm lãnh đạo có thể cân bằng cho sự “khô khan” của nam giới hay dân kỹ thuật nói riêng, tạo nên sự mềm mại cần thiết.” 

Chị Nguyễn Thị Thủy – Kế toán trưởng Unicons: Điều đặc biệt của nữ giới ở các vai trò cao nằm ở tính cách của “phái”. Trong môi trường nhiều nam giới thì phụ nữ sẽ mang đến sự mềm mại hơn, phụ nữ mà đã lên được lãnh đạo thì họ sẽ có sự điềm tĩnh , khéo léo, làm cho các mối quan hệ hoặc cuộc tranh cãi trở nên nhẹ nhàng hơn.” 

Chị Nguyễn Thị My Sa – Trưởng phòng quản lý hệ thống – Pháp chế: “Mình nghĩ ông trời sinh ra phụ nữ và đàn ông đều có lí do của nó cả, trong bất kì khía cạnh nào trong cuộc sống đều cần sự cân bằng. Trong một môi trường mà có “phái” nào chiếm số đông, thì thường quan điểm, định hướng của “phái” đó sẽ có thể áp đảo bên còn lại, nên nếu chúng ta nhìn vào phương diện thừa nhận năng lực và giá trị đóng góp thì sẽ quan trọng hơn nhìn vào giới tính. Trên thế giới, trong các lý thuyết phát triển con người thì người ta không bao giờ phân biệt phụ nữ hay đàn ông. Cụ thể tại Coteccons – Unicons phụ nữ không phải ở bên bị hạn chế, phải chăng là chúng ta có cho họ cơ hội để phát triển, và họ có mong muốn trở thành cái phiên bản mà họ mong muốn hay không.”

Chị Cao Thị Mai Lê – Kế toán trưởng Coteccons: Chị cảm thấy chị như là hậu phương vững chắc của các anh để các anh lấy doanh thu, đảm bảo an toàn về mặt tài chính và đảm bảo chất lượng công trình. Chị luôn cố gắng hết sức để hỗ trợ cho sự phát triển của công ty cũng như tăng trưởng doanh thu. Ở vai trò là người lãnh đạo, chị cảm thấy nữ giới không những đam mê, nhiệt huyết với nghề mà còn tinh tế, tỉ mỉ, kiên nhẫn và chung thủy. Chị nghĩ đây là điểm mạnh hỗ trợ cho chị ở vị trí lãnh đạo tại ngành xây dựng.”

Chị Phạm Xuân Thu – Giám đốc Khối thu mua: “Trong môi trường nhiều nam giới, đặc biệt là ở vị trí lãnh đạo, vai trò của người phụ nữ mang lại sự đa dạng và cái nhìn mới mẻ trong quản lý và ra quyết định. Sự nhạy bén, tinh tế của người phụ nữ giúp hóa giải sự gai góc và đa chiều của môi trường xây dựng một cách mềm mại. Về nữ lãnh đạo, chị luôn theo đuổi giá trị về minh bạch, đặt đúng người vào đúng vị trí và đặt hiệu quả công việc lên hàng đầu. Lợi thế của một nữ lãnh đạo là khả năng làm dịu và giải quyết các căng thẳng một cách nhẹ nhàng nhưng vẫn hiệu quả.” 

Chia sẻ góc nhìn của chị về bình đẳng giới tại nơi làm việc và các đề xuất/ góp ý của chị để tạo ra/ áp dụng bình đẳng giới hiệu quả?  

Chị Nguyễn Trần Thục Anh – Trưởng Ban Đầu tư: Tại nơi làm việc, nữ giới hiện nay đều không thua kém nam giới, kể cả trong các ngành công nghiệp nặng, vốn trước giờ vẫn đồng hành cũng hình tượng “mạnh mẽ, khô khan”. Thật ra bình đẳng giới không quan trọng bằng bình đẳng trong cách nhìn nhận. Ở nơi làm việc ngày nay, không còn nhiều sự so sánh về giới tính, người ta sẽ nhìn vào cách làm việc và hiệu quả công việc nhiều hơn việc bạn tóc dài hay ngắn, mặc váy hay quần, nam hay nữ.”

Chị Trần Thị Liễu Vinh – Giám đốc Hành chính & Phát triển bền vững: Theo chị, phụ nữ vẫn có thể đảm nhận và làm tốt hơn việc của nam giới. Họ nên được tôn trọng, tin tưởng định hướng và giao quyền. Bình đẳng giới ở nơi làm việc không có nghĩa là tỉ lệ nam nữ trong công ty phải cân bằng, mà là cả nam và nữ người đều được tiếp cận các cơ hội và nguồn lực giống nhau, cũng như được nhận thù lao như nhau cho những công việc tương đương, không phân biệt giới tính, bao gồm các vị trí lãnh đạo. Do đó, bình đẳng giới chính là vấn đề của hiện thực.”

Chị Nguyễn Thị Thủy – Kế toán trưởng Unicons: Hiện nay trên thế giới người ta nói rất nhiều về bình đẳng giới, trong tất cả các ngành không riêng ngành xây dựng. Nhưng với xây dựng thì ngay bản thân người phụ nữ họ còn nghĩ họ không làm được, vì vậy bình đẳng giới trong xây dựng đầu tiên phải đến từ suy nghĩ của chính các chị, đừng bao giờ giới hạn mình!”

Chị Nguyễn Thị My Sa – Trưởng phòng quản lý hệ thống – Pháp chế: “Lý do mình đã gắn bó cùng công ty lâu như vậy là do ở đây mọi người được công nhận, được phát huy hết năng lực của họ. Mình thấy giá trị, tôn chỉ và định hướng đó đang được phát triển ở công ty mình. Mình nghĩ đó là khía cạnh của văn minh, nó rất đúng đắn và cần được phát huy. Mình nhớ hoài câu chúc của anh Bolat – Chủ tịch HĐQT Coteccons dành cho phụ nữ: “Hãy phát huy hết mình, hãy chứng minh bản thân bằng tất cả những gì vũ trụ, số phận và tạo hóa ban tặng”. Đó là góc nhìn rất hay, rất văn minh, đó là động lực cho mọi người có góc nhìn xoay chuyển về bình đẳng giới.”

Chị Cao Thị Mai Lê – Kế toán trưởng Coteccons: Với sự phát triển của công nghệ, nữ giới có thể tham gia vào lĩnh vực xây dựng nhiều hơn. Ở góc độ về mặt ngành nghề, chị hy vọng ở Coteccons và Unicons sẽ có những bạn chỉ huy trưởng và giám đốc dự án là nữ. Công ty nên có những chính sách tuyển dụng và tạo điều kiện để xuất hiện nhiều hơn QS nữ, giám sát nữ tại các công trường Coteccons và Unicons và từ đó nữ giới sẽ chứng minh được là nữ giới hoàn toàn có thể làm tốt trong ngành xây dựng.” 

Chị Phạm Xuân Thu – Giám đốc Khối thu mua: “Bình đẳng giới là một yếu tố quan trọng trong môi trường làm việc, tuy nhiên, hy vọng vào sự cân bằng 50-50 giữa nam và nữ trong ngành xây dựng khá khó xảy ra do từ nhỏ các bạn nữ thường không nghĩ rằng mình có thể làm trong ngành này. Tuy vậy, vẫn tồn tại sự cân bằng và dung hòa trong từng mảng công việc khác nhau. Ví dụ, trong khi nam giới thường đảm nhận các vị trí kỹ thuật công trường, các vị trí hỗ trợ như hành chính, thu mua, kinh doanh hoặc tài chính thường có sự đại diện của nhiều phụ nữ, tạo ra sự cân bằng dựa trên ưu điểm tính cách của họ.”

Chị Phạm Thị Phúc – Thư ký dự án Tiến Bộ Plaza: “Một số dự án hiện tại nữ giới không chỉ có làm việc ở Một số vị trí nhất định mà cũng có thể tham gia vào vị trí mà trước đây chỉ có nam giới làm như vị trí, vị trí QS, QA/QC, Shopdrawing… và đều có cơ hội được đào tạo và đánh giá hiệu quả công việc. Ở Coteccons và Unicons không có sự phân biệt về giới tính, tất cả đều được trao quyền và định hướng phát triển như nhau. Không những thế, trong các ngày lễ Tết ở các dự án Unicons, nữ giới luôn được ưu ái hơn.”

Lời chúc/nhắn nhủ đến bạn nữ trẻ  

Chị Nguyễn Thị Thủy – Kế toán trưởng Unicons: Làm trong môi trường có nhiều nam giới vui mà, mình cũng được trân trọng và ưu ái hơn, chỉ có là các bạn nỗ lực đến đâu thôi. Đặc biệt thời điểm hiện tại không gì dễ dàng, nên các bạn khi đã chọn nghề nghiệp rồi thì hãy kiên định với nó, từng bước từng bước cố gắng nỗ lực thì chắc chắn sẽ thành công như các bạn mong đợi.”

Chị Cao Thị Mai Lê – Kế toán trưởng Coteccons: Phải dám bước ra khỏi vùng an toàn của mình, phải lột bỏ những “label” mà xã hội hay chính chúng ta dán cho mình! Các bạn nữ không cần nghĩ tới mình sẽ ở trong môi trường nào, hay phải đối diện với nam giới hay nữ giới. chỉ cần các bạn ước mơ, các bạn muốn sống cuộc đời mình mong muốn và hãy lấy đó làm động lực cho mình, chỉ cần thế thôi!”

Chị Phạm Xuân Thu – Giám đốc Khối thu mua: “Hãy luôn tin vào bản thân và khả năng của mình. Hãy dũng cảm đối mặt với mọi thách thức và sẵn lòng thử nghiệm những điều mới mẻ. Hãy biến những điều “không thể” thành “tôi có thể”: hiểu rõ chính mình, tin tưởng bản thân và theo đuổi đến cùng thì không gì là “Impossible”, chỉ cần đổi chỗ một dấu nháy, tất cả sẽ là “I’m possible”.”

Chị Đào Cẩm An – Thư ký công trường LEGO: Hiện nay với sự phát triển của xã hội và đang làm ở 1 dự án mà đối tác, khách hàng đến từ nhiều quốc gia khác nhau thì vấn đề bình đẳng giới luôn được nêu cao. Tuy nhiên, phụ nữ ngành xây dựng đôi khi có khí chất “mạnh mẽ” một chút nhưng đừng như vậy mà các anh quên đi sự “mềm mỏng” của chúng tôi nhé!” 

Chị Phạm Nguyễn Thùy Tiên – Thư ký công trường Vinhomes Grand Park: Gửi các bạn nữ muốn bước chân vào ngành xây dựng, không có gì phải sợ, không có gì phải ngại, cứ vào và trải nghiệm. Ở đó mình được ưu tiên, được là cá thể duy nhất, được các anh yêu thương và quan tâm. Minh chứng là trước đó đã có rất nhiều chị nữ đã làm trong xây dựng và hạnh phúc với công việc mình lựa chọn. 

Bài viết liên quan

84.28-35142277
Contact@Coteccons .vn

HỎI ĐÁP CHUNG